Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

Đế quốc La Mã tan vỡ vì đâu?

Sự đỏng đảnh khó lường của khí hậu trong suốt 300 năm khiến đế chế La Mã hùng mạnh rơi vào tình trạng bất ổn rồi tách thành hai nước.

Một trong những phế tích còn sót lại từ
Một trong những phế tích còn sót lại từ thời đế chế La Mã. Ảnh: sheppardsoftware.com.

Viện Nghiên cứu rừng, tuyết và phong cảnh của Thụy Sĩ đã nghiên cứu lịch sử khí hậu châu Âu bằng cách phân tích vòng tròn bên trong gần 9.000 thân cây sồi và thông. Chúng là những thân cây mà các nhà khảo cổ đào được tại châu Âu. Những thân cây già nhất có niên đại lên tới 2.500 năm.

Trong giai đoạn mà khí hậu thuận lợi, cây có thể lấy nhiều nước và dưỡng chất từ đất nên tăng trưởng nhanh. Vì thế mà chúng tạo ra những vòng tròn khá rộng va khoảng cách giữa các vòng cũng lớn hơn. Nhưng khi khí hậu trở nên khắc nghiệt, như hạn hán, những vòng tròn trong thân cây nhỏ hơn và khoảng cách giữa chúng cũng gần hơn.

Dựa vào kích thước của những vòng tròn trong thân cây, nhóm nghiên cứu dựng lên biểu đồ về nhiệt độ và lượng mưa tại châu Âu trong 25 thế kỷ qua, Newscientist đưa tin.

Biểu đồ cho thấy, từ năm 250, cứ sau mỗi thập kỷ khí hậu lại chuyển từ trạng thái khô, lạnh sang trạng thái ấm áp và ẩm ướt. Sự thay đổi luân phiên giữa hai kiểu khí hậu này diễn ra liên tục tới tận năm 550. Sức mạnh của đế chế La Mã suy giảm mạnh trong khoảng thời gian này, để rồi tới năm 395 nó bị phân chia thành đế quốc Byzantine và đế quốc Tây La Mã. Tới năm 476, đế quốc Tây La Mã sụp đổ.

“Nếu nhìn lại 2.500 năm qua, chúng ta sẽ thấy nhiều bằng chứng về tác động của thời tiết đối với lịch sử loài người”, BBC dẫn lời Ulf Buntgen, một thành viên của nhóm nghiên cứu, nhận xét.

Bức tranh minh họa một cuộc nội chiến thời La Mã. Ảnh:
Nội chiến, bạo loạn tại đế quốc La Mã trong thế kỷ 3 thường xảy ra vào giai đoạn thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: xtimeline.com.

Buntgen nói những thăng trầm chính trị, chiến tranh, nạn đói và làn sóng di cư ồ ạt của con người luôn xuất hiện trong giai đoạn mà thời tiết thay đổi liên tục. Đại dịch “Cái chết đen” bùng phát và giết chết gần một nửa dân số châu Âu trong thời kỳ mà khí hậu ấm áp và ẩm ướt. Độ ẩm cao trong không khí giúp vi khuẩn gây bệnh dịch hạch phát tán nhanh hơn.

Các xã hội ở châu Âu chỉ ổn định và thịnh vượng trong những giai đoạn mà khí hậu không biến động lớn. Ví dụ, khí hậu ổn định từ năm 700 tới năm 1000. Trong giai đoạn đó, các xã hội phát triển nhanh chóng ở khu vực tây bắc của châu Âu. Hàng triệu người châu Âu bỏ quê hương để tới châu Mỹ khi khí hậu trở lên lạnh khác thường vào thế kỷ 17.

"Khí hậu không trực tiếp gây nên chiến tranh hay khủng hoảng kinh tế, song nó vẫn là một trong những nhân tố khiến các xã hội cổ đại sụp đổ. Trong những xã hội đang ngập chìm trong nạn đói hay khủng hoảng chính trị, những mùa đông khắc nghiệt sẽ khiến người dân càng cảm thấy khốn quẫn hơn và họ sẵn sàng vùng lên để tìm đường sống", Buntgen giải thích.

Một số nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng chiến tranh và khí hậu có mối quan hệ mật thiết. Chẳng hạn, trong thiên niên kỷ trước, những cuộc chiến tranh lớn ở Trung Quốc luôn xảy ra vào những giai đoạn khí hậu lạnh bất thường.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét