BIỆN HỘ CHO XUÂN TÓC ĐỎ
Sự trùng hợp kỳ lạ
Trong chương mở đầu Số đỏ, Vũ Trọng Phụng có đoạn tả lại cái cảnh Xuân đi xem bói, và khi ông thày bảo khai ngày sinh tháng đẻ, thì nhân vật này -- tạm gọi là nó như Vũ Trọng Phụng thường gọi – đáp lại gọn lỏn “Hai mươi lăm tuổi đấy bố ạ. Tháng mười, ngày rằm, giờ gà lên chuồng”. Trong cuộc hội thảo vào dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh Vũ Trọng Phụng (10/2002), nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải có một tham luận phát hiện ra sự liên hệ thú vị: những con số nói trên liên quan đến người đã tác thành ra nhân vật chính của Số đỏ. Tức ngày sinh tháng đẻ của Vũ Trọng Phụng cũng là ngày sinh tháng đẻ của Xuân. Cho đến ngoại hình của tác giả cũng có những nét của nhân vật. Không cần là người thạo tử vi, chỉ theo lẽ thường mà suy, người ta đã có thể nghĩ: giữa nhân vật chính của Số đỏ và tác giả như vậy là có một mối duyên nợ kỳ lạ. Nhân vật không còn là một thứ chúng sinh bình thường, một thứ công cụ để ông trình bày tấn trò đời. Mà phải nói cái anh chàng mà ông thác sinh ra đó có một mối quan hệ riêng với ông, nó là một phần con người cuả ông. Đây là loại nhân vật có lô – gích nội tại, có quy luật phát triển riêng; sau khi đã đẻ ra nó, nhà văn không thể đứng từ một khoảng cách rất xa để tuỳ tiện điều khiển, mà phải nhập thân vào nó, coi nó như người có thật, tìm hiểu, lắng nghe, đối thoại với nó. Đến lượt mình, người đọc cũng phải có cách nghĩ khác về Xuân. Lâu nay khi bàn về một con người, hoặc nhân vật của một tác phẩm văn học, ở ta có một thói quen là cố tìm cách sắp xếp xem nhân vật hay con người đó thuộc vào dạng tích cực hay tiêu cực, được tác giả đưa biểu dương hay phê phán. Với Xuân, người ta có thêm cơ hội để gắng đi tới một hệ thống phân loại cận nhân tình hơn. Việc tìm ra và xác định rõ cái chất người ở Xuân đòi hỏi một cái nhìn cởi mở, vượt qua mọi thành kiến mà hàng ngày ta không để ý.
Chưa hẳn đã là lưu manh thứ thiệt
Cái danh hiệu “quý hoá” mà nhiều người nghĩ tới và không ngần ngại gán cho Xuân tóc đỏ gói gọn lại trong hai tiếng lưu manh. Theo cách hiểu thông thường, nhân vật lưu manh thường là loại người sống bên lề xã hội; lưu manh đồng nghĩa với những gì xấu xa: hư hỏng, lừa bịp, dối trá. Như vậy, Xuân bị gán cho những tội vạ nặng nề nhất. Thậm chí có thể nói, trong tâm trí của nhiều người, ngay đến Chí Phèo suốt ngày say khướt và mang mọi người ra chửi, sẵn sàng gây vạ cho cả làng Vũ Đại, xem ra còn có gì đó dễ chấp nhận hơn là Xuân tóc đỏ. Thành kiến này, cố nhiên, có cái lý riêng của nó. Chính tác giả đã sớm tóm tắt cho người đọc biết trước mặt họ là một con người hoàn toàn vô giáo dục (câu đầy đủ trong nguyên văn như sau: “Cảnh ngộ tạo nó nên một đứa hoàn toàn vô giáo dục, tuy nó tinh quái lắm thạo đời lắm”). Đúng là trong suốt cuốn truyện, Xuân có làm vài việc dễ gây phản cảm. Nhưng Xuân không hoàn toàn hư hỏng như người ta thường nhầm và khái quát một cách vội vã. Trong cách ăn nói và trước tiên là cách nghĩ của Xuân không có dấu hiệu của sự hèn mọn, đểu giả. Thứ nữa, một thói xấu thuộc loại khó chấp nhận nhất của lưu manh là lười biếng, không chịu làm việc thì Xuân không mắc. Khi tham gia vào việc phục vụ các bà các cô ở tiệm Âu hoá, cũng như khi trở thành nhân vật của giới thể thao quốc gia, nó chỉ làm những việc mà nó thông thạo và có năng khiếu. Rồi khi ngẫu nhiên tham gia vào việc chữa bệnh cho ông già tám mươi tuổi thân sinh của cụ cố Hồng, nó đâu có tự đứng ra khoác lác, chẳng qua bị giới thiệu là sinh viên trường thuốc với ông đốc thì nhận tràn đi, mà không cải chính, thế thôi; cũng như cái việc chữa cho ông cụ bằng thuốc thánh xin ở đền Bia, thì đó là do thói quen mà làm, chứ không thể nói Xuân cố tình bịp bợm.
Chung quanh hai chữ lưu manh, cùng lúc tồn tại những cấp độ ý nghĩa khác nhau. Đúng là nói tới lưu manh, người ta nghĩ ngay tới những hành động cụ thể. Nhưng trong sự giao tiếp hàng ngày, lưu manh còn được dùng với nghĩa sâu sắc hơn. Đó là tinh thần khinh rẻ đồng loại, bỏ qua những chuẩn mực thông thường, bất cần, nổi loạn. Đứng đằng sau các hành động lưu manh thường là một triết lý có màu sắc hư vô: Chúa đã chết, chẳng còn có gì là lương tâm thiêng liêng nữa, và cái gì con người ta cũng có quyền làm. Bởi vậy, không chỉ thấy ở dân vô học mà trong nhiều trường hợp, tinh thần bất chấp đạo lý toát ra cả trong hành động cũng như tư tưởng của những người có bằng cấp cẩn thận, và hai tiếng lưu manh hoàn toàn thích hợp để gọi họ. Như trong Hoàng Lê nhất thống chí, một nhân vật là huyện Trang trong cảnh hỗn loạn, công khai làm chuyện động trời là bắt vua lấy thưởng, nhân vật này đã tự giải thích hành động của mình bằng câu “triết lý” xanh rờn: “Sợ thày không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu thân”. Sự bất cần ở đây đã lên đến mức cùng cực, và phải gọi đó là một triết lý lưu manh. So sánh với các nhân vật loại “có học” như vậy, thì Xuân của chúng ta chưa đến nỗi. Nó không ích kỷ và cá nhân chủ nghĩa tới mức đi ngược đạo lý thông thường. Đứng trước cuộc đời, nó còn biết sợ. Còn đây, một sự so sánh khác: trong kho tàng truyện cười dân gian Việt Nam, có hẳn một chùm truyện viết riêng về hai nhân vật nổi tiếng là Ba Giai Tú Xuất. Vốn họ cũng là người có được học hành đàng hoàng, thi cử đâu ra đấy, song sống trong một hoàn cảnh ngang trái, cụ thể là hoàn cảnh một xã hội nhố nhăng hỗn loạn (thuở giao thời khi Việt Nam vừa mới trở thành thuộc địa của người Pháp), niềm tin của một trí thức ở Ba Giai cũng như Tú Xuất tan nát hoàn toàn. Họ lao ra đường làm bậy. Gặp ai họ cũng tìm cách trêu chọc thậm chí hạ nhục. Nói như cách nói của những năm đầu thế kỷ XXI này, phải gọi Ba Giai Tú Xuất làm nên một cặp bài trùng, chuyên nghề khủng bố lẻ, cười cợt ngay trên nỗi đau khổ của người khác. Nhân vật ở đây thực đã rơi xuống vũng bùn của thứ chủ nghĩa hư vô ở dạng thấp hèn, trong cơn tuyệt vọng tự cho phép mình tha hồ phá phách. Xuân tóc đỏ xa lạ với những cách cư xử kiểu ấy. Nó không bao giờ làm những việc đáng để gọi là bất nhân bất nghĩa. Ngược lại, ở nó chỉ có một ám ảnh là làm sao ra khỏi tình trạng khốn quẫn và tìm cho mình “một chỗ đứng dưới ánh mặt trời”. Nênbiết thêm rằng bản chất lưu manh không chỉ thể hiện ở tình trạng bần cùng hoá về đường vật chất, mà còn bao hàm thái độ khinh miệt đối với trí tuệ và các giá trị tinh thần, kể cả kiến thức và sự uyên bác. Sự khinh miệt này làm cho các nhân vật lưu manh trở nên đối lập hoàn toàn, tức một thứ khắc tinh của những người trí thức chân chính; sự thắng thế của tư tưởng lưu manh góp phần vào việc huỷ diệt niềm tin nơi các trí thức ấy, làm cho họ không còn tin ở mình, ngấm ngầm khuyến khích họ biến chất, tức cũng chung một triết lý sống với những kẻ vô học càn rỡ, láo lếu. Nhìn lại, thấy những “ưu điểm” loại này cũng không có chỗ đứng trong tâm trí Xuân. Liều lắm, nó chỉ suồng sã vỗ vai đùa bỡn với đốc tờ Ngôn hoặc Josef Thiết, nhưng dừng lại ở đó, và trong bụng vẫn dành cho họ sự kính trọng, khi cần thì thành thực nhờ họ giúp đỡ.
Một người lập nghiệp
Các nhân vậtđược xếp vào loại tích cực ( với nghĩa đáng khen đáng noi theo ) trong văn học cổ cũng như văn học hiện đại ở Việt Nam thời kỳ 1932 – 1945 thường là những người yếu đuối, bị chèn ép. Như trường hợp chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Trong sự cảm thụ thông thường, nhân vật này thường được xem như có nhiều phẩm chất tích cực, đáng biểu dương ca ngợi. Nhưng hãy thử đọc lại tác phẩm: Nét nổi bật ở chị Dậu là thương chồng thương con. Nghĩa là người đàn bà nông dân này có một đời sống tình cảm thuần phác và đôn hậu. Song, khi chỉ vào đời với những phẩm chất ấy, người ta rất dễ chuốc lấy bất hạnh. Về nhiều phương diện, trong chị Dậu thấy lặp lại cái phần thiếu xót nằm sâu trong tính cách cô Kiều thân thiết của tất cả chúng ta: Họ đều là những người không có được sự hiểu biết sâu sắc về hoàn cảnh xã hội nói chung, về tình thế của mình nói riêng, do đó trên đường đời nhiều phen rơi vào bị động bất lực. Trong Truyện Kiều, khi gia đình khó khăn thì Kiều chỉ biết có cách khóc lóc rồi sẵn sàng bán mình cứu cha, dấn thân vào cuộc sống phong trần; cũng như sau này, qua ít ngày theo Từ Hải ngang dọc, Kiều khuyên Từ Hải ra hàng. Còn trong Tắt đèn, hành động khá nhất của chị Dậu là dám túm lấy cổ cai lệ đến thu thuế, ấn dúi hắn ra cửa, tiếp đó túm tóc lẳng cho tên người nhà lý trưởng ngã nhào ra thềm, rồi bị giải lên phủ, cuối cùng phải đi làm vú lấy tiền trả nợ. Nhìn lại các nhân vật được nhiều cảm tình của bạn đọc như Mai trong Nửa chừng xuân của Khái Hưng, cô hàng xén hoặc mẹ Lê trong các truyện ngắn của Thạch Lam, chúng ta cũng thấy những nét tương tự. Dù hiện ra với nhiều tính tốt, như mau mắn, tử tế, nhân hậu, song thật khó lòng nói rằng đó là những nhân cách trưởng thành và đạt tới một triết lý sống chắc chắn. Trong khi khâm phục giá trị đạo đức của họ, đồng thời phải nhận rằng cái tư cách nạn nhân có làm cho họ bé nhỏ đi ít nhiều.
Một loại nhân vật khác cũng gần với Xuân là những Tám Bính, Bảy Hựu… trong các tác phẩm của Nguyên Hồng. Ở đây, các vai lưu manh được miêu tả với đủ chuyện kinh thiên động địa. Chủ ý của Nguyên Hồng là nhấn mạnh rằng ở những con người tưởng như đã tha hoá ấy, cái phần lương tri tốt đẹp vẫn còn. Nhưng cũng chỉ có thế. Nhân vật của Nguyên Hồng chưa ra khỏi thế giới nhỏ hẹp chật chội của lớp người bần cùng. Còn Xuân của Vũ Trọng Phụng thì được ném vào một trường hoạt động mới, để gia nhập vào cái thế giới rộng lớn mà người ta tưởng như chẳng liên quan gì đến nó. Biết mình xuất thân hèn hạ, Xuân không mặc cảm, mà vẫn hồn nhiên tham gia vào những việc có vẻ như rất trọng đại. Và nhất là vẫn giữ được một sự chủ động hiếm có. Đằng sau câu chuyện mê tín (vốn là một thói xấu dễ tha thứ), việc Xuân đi bói hé ra cho thấy một ám ảnh ghê gớm trong lòng nhân vật: Nó muốn có một ngày mai khác với hôm nay. Và nó tin rằng nếu biết cố gắng, thì cái hậu vận tươi sáng đó trước sau sẽ đến. Đây là một nét tâm lý chỉ thấy ở những con người có lòng tự tin mạnh mẽ. Bàn về Chí Phèo như một siêu mẫu, nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào cho rằng qua anh Chí, Nam Cao đã thâu tóm được một khát vọng nóng bỏng của con người trong mọi thời đại, đó là khát vọng hoàn lương, khát vọng đổi đời. Trở lại với Số đỏ, có thể thấy cả hai khát vọng đó cũng nằm sâu mãi trong tâm trí Xuân và dần dần được thực hiện. Trong chương XVI, khi dẫn Xuân đi khai tên ở Tổng cục thể thao (ngày nay gọi là đi đăng ký dự thi), Văn Minh đã giúp chúng ta khái quát một chân dung. Chẳng những nhác trông thấy Xuân, Văn Minh đã thầm nghĩ ngay rằng “ừ cái mặt thằng này thế mà cũng đỡ ma cà bông rồi đây”, ở đoạn dưới, ông chủ cửa hàng Âu hoá còn nói thẳng với Xuân: “Từ khi anh về giúp việc cho chúng tôi, là địa vị anh cứ dần dần thay đổi, cho đến bây giờ thì anh đã nghiễm nhiên là một người khác”. Sự đổi đời không còn là cái ao ước xa vời. Mà với Xuân nó đã trở thành hiện thực ! Có dễ trong văn học Việt Nam từ 1945 về trước, ít có nhân vật nào thành công một cách chính đáng như vậy. Để đạt mục đích, đúng là Xuân có gặp may, nhưng sự may mắn đó chỉ đến với những con người có sự chuẩn bị đón nhận. Sự đổi đời ở đây là một kết quả hợp lý, nó là phần thưởng sau bao kiên trì nỗ lực. Cái ý thức “mình cũng có thể như mọi người, thậm chí làm hơn mọi người” đã ăn sâu vào Xuân để rồi cộng với những nỗ lực thích đáng, tự nó làm nên những cú vượt thoát ngoạn mục.
Một bước phát triển trong đời sống tinh thần
Để có thể thành công trên đường lập nghiệp, một cá nhân phải có sự trưởng thành trong trình độ làm người. Trên nhiều phương diện, Xuân của Vũ Trọng Phụng đã đáp ứng nhu cầu đó. Nghe ra có vẻ hơi kỳ, nhưng vẫn có thể nói Xuân là một tính cách chắc chắn, ổn định, ít nhất là trên mấy khía cạnh sau đây:
1. Xuân rất nhạy cảm, nên thường nhận thức rõ tình cảnh mà mình rơi vào và có sự đáp ứng khá hợp lý. Vừa sống, nó vừa nhìn vào những người chung quanh lo học hỏi và tìm cách đáp ứng cái vai trò mà mọi người trông chờ ở mình. Vả chăng, đó không phải là cách thích ứng hèn hạ, thích ứng với bất cứ giá nào đến nỗi tha hoá, tức đánh mất mình. Với cái vẻ “thạo đời và tinh quái sẵn có”, dù phải làm gì thì Xuân vẫn là Xuân, nếu như không nói là dần dà nâng được địa vị của mình lên một cách đàng hoàng. Đọc những câu như “Xuân trầm tư mặc tưởng”, hoặc “tự nhiên nó quá đứng đắn, rất có ý tứ”, mới đầu nhiều người có thể bỏ qua, tưởng chỉ là một câu đùa giỡn của Vũ Trọng Phụng, song những nét chấm phá đó hoàn toàn nhất trí với tính cách Xuân nói chung. Thành thử có thể nói nếu có đùa thì đó là một trò đùa rất nghiêm chỉnh. Và cả cuốn Số đỏ được viết theo kiểu “đùa rất nghiêm chỉnh” ấy.
2. Xuân sống tự trọng. Nhiều lần ta bắt gặp ở nó “cảm giác hổ thẹn”. Hứa với ai điều gì, là nó lo thực hiện. Ai làm ơn cho nó, nó đều nhớ. Có lỗi với ai ( kể cả cái lỗi lớn là chiều ý bà Phó Đoan khi về ở nhà bà ), nó áy náy không yên và tìm đủ cách chuộc lỗi. Vậy là có một chút gì đó thuộc về lương tâm vẫn còn sống mãi trong lòng Xuân. Chính tác giả cũng đã mấy lần viết những câu tạt ngang đại loại “Vốn là người cũng có lương tâm nó nhận thấy rằng…” hoặc “Nó hiểu ngay ra nghĩa chữ tín ở đời”. Với niềm tự tin sẵn có, Xuân sẵn sàng đối mặt với sự thật: Thấy có người nói xấu mình, nó đi hỏi bằng được. Tức là nó muốn tìm tới một sự sòng phẳng, một điều mà người ta hay nghĩ rằng những ai xuất thân hèn hạ và thiếu tự tin không bao giờ có.
3. Ở Xuân sớm hình thành một thói quen, đúng hơn một định hướng sống khá chính xác: Nó không nhẫn nhục cam chịu sống với cái vị trí mà người ta đẩy nó vào hoặc khép mình theo những chuẩn mực mà xã hội áp đặt cho loại người lưu manh. Những nền nếp cũ không hề có mặt để trói buộc nó. Một cách chủ động, nó dám sống khác với thói thường, miễn thấy đó là phải. Nói cho to tát, tức nó muốn sống theo đúng tầm vóc của con người nói chung. Trong việc này, cái lý lịch “trên không chằng dưới không rễ “của nhân vật trở nên một điều kiện thuận lợi. Nó dễ dàng tìm cho mình một sự tự do với đúng nghĩa của từ này. Trên đường lập nghiệp, nó không sớm cầu an và dừng lại giữa chừng, mà quyết đoạt được tới hiệu quả cao nhất có thể có. Việc Xuân vươn ra ở trình độ quốc gia (dù là trên lĩnh vực thể thao), cho thấy về căn bản, định hướng sống của nó là đúng.
4. Một điều kiện nữa giúp Xuân thành công mà cũng là dấu hiệu cho thấy nó đã đạt đến trình độ khá cao trong sự phát triển lý tính, ấy là việc Xuân rất hiểu mình cũng như vị trí của mình trong con mắt mọi người. Có lần tả Xuân cáu, tác giả bảo rằng “lúc ấy Xuân quên hẳn mình. Nó đã bất tự tri”. Một lời chê nhỏ như vậy thực ra là một lời khen lớn: Tức là hàng ngày Xuân vẫn tự tri, cái sự tự tri (tự biết chính mình) ấy đã thành một bản tính tự nhiên, chỉ thỉnh thoảng nó mới quên. Hãy đọc lại đoạn Văn Minh báo với Xuân cái việc định gả em gái là Tuyết cho nó. Những tưởng đang trong cảnh long đong kiếm sống, vớ được vợ giàu chẳng khác chết đuối vớ được cọc, Xuân phải túm ngay lấy cơ hội. Đằng này không, Xuân lập tức trả lời là mình không dám nhận. Và trước mặt ông anh vợ tương lai, nó nói thẳng rằng mình “không cha không mẹ, lêu lổng từ bé, nhặt ban quần, bán phá sa, đã làm nhiều nghề hèn”. Nói như các cụ ngày xưa, vậy là Xuân thuộc loại tri kỷ tri bỉ, biết mình biết người; hoặc theo thuật ngữ của tâm lý học, ở nó có một sự tự ý thức khá đầy đủ. Nó không quên quá khứ, càng không mắc bệnh hoang tưởng. Trong cái năng lực tự ý thức ấy, có mặt cả sự tự tin, tỉnh táo, lẫn sự lương thiện, bấy nhiêu lý do cùng lúc khiến cho người đọc buộc phải nhận rằng mặc dầu thuộc loại ở mãi dưới đáy xã hội nhưng Xuân chưa bị làm hỏng. Chẳng những thế, còn có thể nói nó đã hấp thụ được một trong những cách nghĩ mới mẻ mà xã hội hiện đại vừa mang tới cho con người đương thời. Sự tỉnh táo của Xuân lúc này có thể sánh ngang với Chí Phèo khi Chí cãi lại Bá Kiến “Không được ! Ai cho tao lương thiện…Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không !” mà nhiều người vẫn ca ngợi.
Con người hiện đại, anh là ai ?
Sau khi kể lại tỉ mỉ việc Xuân gia nhập vào xã hội của những bà phó Đoan, Văn Minh, đến chương XIV, Vũ Trọng Phụng để hẳn mấy trang nói riêng về việc Xuân tóc đỏ được mọi người đánh giá ra sao. Điều này không chỉ là nhu cầu của người trong cuộc mà còn là của chính độc giả theo dõi câu chuyện. Thế nhưng rút cuộc Xuân là người thế nào ?
Chịu, những người thường xuyên tiếp xúc với Xuân mỗi người một ý, không ai xác định được cho chính xác. Người yêu người ghét, người này thấy Xuân vô tích sự, người khác lại thấy Xuân được việc. “Người chê Xuân vô học, người lại quả quyết rằng về học thức của Xuân thì đã mấy ai bằng”. Và tác giả chốt lại bằng một câu buông lửng: “Sau cùng thì không còn một ai biết rõ cái giá trị của Xuân là đáng khinh trọng thế nào nữa”. Việc một nhân vật trở nên một cái gì người ta không kết luận được như thế này không chỉ khiến cho câu chuyện đọc thêm hấp dẫn, mà suy cho cùng, nó càng chứng tỏ nhân vật có phần vượt khỏi tầm tay của tác giả như phần trên chúng tôi đã lưu ý. Hơn nữa đây cũng chính là một đặc điểm người ta thường thấy ở loại nhân vật hiện đại trong văn học. Những ai có dịp tìm hiểu văn học phương Tây thế kỷ XX hẳn biết nhân vật trong các tiểu thuyết thời nay có sự phát triển khá lạ lùng. Nói chung, không bao giờ họ nằm yên trong những cái khung xã hội mà người đọc quen hình dung. Họ vào đời như dấn thân vào những cuộc phiêu lưu. Dường như mỗi người bị đẩy đi giữa một đám đông hỗn độn và toàn bộ nỗ lực của họ là tìm cách tự khẳng định mình trong sự hỗn độn đó. Có khi họ thấy đời là một cuộc chơi và quá trình chơi thú vị hơn kết quả. Lại có khi họ bị ám ảnh bởi ý nghĩ điều gì cũng có thể xảy ra đối với mình, cả điều xấu nhất lẫn điều tốt nhất. Khi giả thiết rằng thế giới này là điên rồ và mình cũng chẳng thoát khỏi cơn điên ấy, con người trong tiểu thuyết hiện đại không còn bị ám ảnh quá đáng bởi lương tâm và các vấn đề đạo đức. Đường đời của nhiều nhân vật lúc này phần lớn phụ thuộc vào việc họ tự chế ngự những mặc cảm cuối cùng còn sót lại trong người, để hiện thực hoá cho được những tiềm năng sẵn có. Bảo rằng họ thành công cũng được, thất bại cũng được.
Không cần khiên cưỡng gì lắm, cũng có thể nói rằng người ta dễ dàng tìm thấy một số đặc điểm trên đây trong tính cách và số phận Xuân tóc đỏ của Vũ Trọng Phụng, và chắc chắn là rồi đây, khi cần nghiên cứu kỹ càng đầy đủ hơn vấn đề hiện đại hoá của con người Việt Nam thế kỷ XX, Xuân còn được nhắc tới như một dẫn chứng độc đáo.
Sở dĩ văn học thế kỷ XX đưa ra loại nhân vật nói trên, bởi ngay trong đời sống, những con người loại này đã hình thành, và chính sự đổi khác của đời sống buộc tiểu thuyết phải khác trước thì mới biểu hiện được cái đời sống đã thay đổi đó. “Nay là thời mà lối viết trữ tình hoặc để cho dốc bầu tâm sự không còn được thịnh hành, và một khi bị mang áp đặt, thì cả những tình cảm tốt cũng dễ bị dị ứng”. “Những hài kịch phi lý, đó là cách tốt nhất để viết về cái thế giới kỳ cục mà người ta đang sống”. “Tính hiện đại mang trong nó sự giải phóng cá nhân, sự thế tục hoá toàn bộ những tiêu chuẩn giá trị, sự phân hoá không thể kết hợp của chân thiện mỹ” – những nhận định loại đó rất dễ gặp trong các tài liệu nghiên cứu viết về phương Tây hiện đại.
Tương tự như vậy, có thể nói sở dĩ Xuân tóc đỏ có thể có mặt và tự do đi về trong kiệt tác của Vũ Trọng Phụng, ấy là bởi chính sự phát triển của hoàn cảnh đã mở ra những tiền đề cho loại nhân vật này phát triển. Từ chỗ là một thực thể cổ lỗ ngưng đọng, xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX đã trở thành một xã hội hiện đại một cách nhanh chóng đến mức tự nó cũng kinh ngạc về sự biến chuyển của chính mình. Trong lúc chưa thể tự nhận diện một cách chính xác, người ta đành tạm bằng lòng với những giả thiết chung chung, kể cả những nhận thức tưởng là gần đúng mà thực ra là lầm lẫn. Ở chương VII của Số đỏ, tác giả kể khi cụ tổ tám mươi ốm, có một người con ( cũng đã già ) gọi là ông Hai ở nhà quê ra chơi, và Vũ Trọng Phụng không quên nói rằng trong con mắt của ông Hai mọi chuyện lúc bấy giờ thật là kỳ quặc. Quả thật, hai chữ kỳ quặc đã diễn tả chính xác cái ấn tượng mà nhiều người bình thường có được từ cuộc sống và con người ở Hà thành khoảng những năm ba mươi của thế kỷ trước. Bởi suy cho cùng cái nhìn của ông Hai nói ở đây có liên quan tới cái nhìn của những người nông thôn, là nơi mà công cuộc hiện đại hoá chỉ tác động tới một cách hời hợt. Điều quan trọng hơn là cho đến những năm cuối của thế kỷ XX, đầu XXI, cái nhìn loại này vẫn được nhiều người vô tình lặp lại. Thành thử, những thành kiến kéo dài với một nhân vật như Xuân tóc đỏ từ trước đến nay kể ra cũng là tự nhiên, và chỉ có cơ thay đổi khi tiến trình hiện đại hoá mà Xuân đã sống, đã vùng vẫy để tự khẳng định, được chúng ta nghĩ lại cũng như đánh giá lại.
Nguồn : Diendankienthuc.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét