Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Bí mật về lực lượng đặc biệt của Triều Tiên

Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã tăng cường lực lượng đặc biệt của mình từ 180.000 binh sĩ lên 200.000 trong vòng 4 năm qua. Tờ báo này cũng dẫn lời các điệp viên Triều Tiên bị Hàn Quốc bắt giữ tiết lộ cách thức huấn luyện lực lượng này.

Các con số trên được trích dẫn từ Sách trắng quốc phòng năm 2010 của Hàn Quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong số 200.000 binh sĩ trên có 60.000 lính đặc nhiệm và 140.000 khinh binh.

Khinh binh là lực lượng bộ binh được trang bị nhẹ và được huấn luyện để có thể xâm nhập sâu vào hậu phương của đối phương và phá hủy các mục tiêu trọng điểm, tham gia các chiến dịch đặc biệt. Sách trắng quốc phòng 2010 của Hàn Quốc cho biết Triều Tiên vẫn không ngừng tăng cường lực lượng này.

Lính đặc nhiệm Triều Tiên
Lính đặc nhiệm Triều Tiên

Một nguồn tin quân sự Hàn Quốc giấu tên nói: “Triều Tiên có vẻ như đang rút kinh nghiệm từ cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Các cuộc tấn công du kích bằng lực lượng khinh binh có thể gây tổn thất lớn đối với quân đội Mỹ và Hàn Quốc. Quân đội Mỹ đang nhận thức được khả năng ngày càng được tăng cường của lực lượng đặc biệt Triều Tiên, coi đây là mối đe dọa nghiêm trọng”.

60.000 lính đặc nhiệm còn lại được biên chế thành các đơn vị đặc biệt chủ lực bao gồm Quân đoàn số 11 hay còn gọi là Quân đoàn “Bão tố”, các đội đặc nhiệm của không quân, hải quân có khả năng nhảy dù vào lãnh thổ của đối phương và các đơn vị trinh sát. Các binh sĩ này phải trải qua các khóa huấn luyện hết sức khắc nghiệt nhằm thử giới hạn chịu đựng của con người.

Đặc nhiệm Triều Tiên luyện tập thực hành xâm nhập
Đặc nhiệm Triều Tiên luyện tập thực hành xâm nhập

Lee Kwang-soo, một điệp viên Triều Tiên bị Hàn Quốc bắt giữ năm 1996 trong chiến dịch xâm nhập bằng tàu ngầm, tiết lộ: “Một lính đặc nhiệm được huấn luyện hơn 3 tiếng mỗi ngày để có thể đánh bại được từ 3 đến 15 kẻ thù và thực hành bắn trúng mục tiêu hơn 3.000 lần trước khi đi xâm nhập”.

Lực lượng đặc biệt có thể xâm nhập vào lãnh thổ Hàn Quốc qua các tuyến đường trên mặt đất hoặc đường hầm nằm sâu dưới lòng đất. Trong khi đó, các đơn vị đặc nhiệm hải quân có thể đổ bộ lên bờ biển với 130 tàu đệm không khí và 260 tàu đổ bộ khác. Lực lượng đặc nhiệm không quân có thể nhảy dù xuống lãnh thổ Hàn Quốc bằng 170 chiếc máy bay vận tải AN-2. Đây là loại máy bay tuy đã cũ kỹ, bay thấp nhưng khó bị radar phát hiện. Ngoài ra, lực lượng này còn có 130 trực thăng các loại.

Tàu đổ bộ đệm khí của Triều Tiên
Tàu đổ bộ đệm khí của Triều Tiên

Tình báo Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có 10.000 lính đặc nhiệm hải quân và 5.000 lính đặc nhiệm không quân. Một khi xâm nhập được vào sâu lãnh thổ Hàn Quốc, lực lượng đặc biệt được huấn luyện chu đáo của Triều Tiên có thể giáng một đòn đáng kể đối với quân đội Hàn Quốc.

Trong chiến dịch xâm nhập bằng tàu ngầm của Triều Tiên năm 1996, Hàn Quốc đã phải huy động rất nhiều binh sĩ và cảnh sát chỉ để tìm kiếm 26 gián điệp và 26 thủy thủ tàu ngầm của Triều Tiên xâm nhập vào vùng núi tỉnh Gangwon.

Tàu ngầm Type-B chuyên dùng để xâm nhập của Triều Tiên
Tàu ngầm Type-B chuyên dùng để xâm nhập của Triều Tiên

Các chuyên gia cho biết Hàn Quốc đang phải đối mặt với thách thực thực sự trước nguy cơ xâm nhập của lực lượng đặc biệt Triều Tiên bằng máy bay vận tải và tàu đệm khí. Trong khi đó, Hàn Quốc chỉ có khoảng 20.000 lính đặc nhiệm, một nửa trong số đó là của Lục quân. 10.000 lính đặc nhiệm còn lại thuộc biên chế của Hải quân, Không quân và Thủy quân lục chiến.

So với lực lượng đặc biệt lên tới 200.000 binh sĩ của Triều Tiên thì lực lượng đặc nhiệm của Hàn Quốc phải ở trong tình cảnh một chọi 10.


Tổng hợp


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét